Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục




Đặc tấu vinh lộc Đại phu
Thượng trụ quốc
Phụ chánh Đại thần
Thái tử Thiếu bảo
Cơ mật viện Đại thần
Tổng tài Quốc sử quán
Lãnh Học bộ Thượng thư
Kiêm quản Quốc tử giám
Kiên Giang quận công
An Xuân Tử

Cao Xuân Dục

Long Cương Cổ Hoan Đông Cao
Tử Phát
1843-1923


Tấm bài vị trên đây thật dài dòng, ghi đủ tước hiệu, phẩm hàm, chức vụ, hiệu và tự của một vị đại quan thật hiếm có dưới triều đại phong kiến ở nước ta.

Ông là một vị quan đại thần, một danh nhân lịch sử, một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà ở thời cận đại.

Từ sau khi ông qua đời đã có nhiều học giả, nhà báo, nhà văn, nhà giáo viết nhiều công trình, nhiều luận văn nghiên cứu giới thiệu thân thế, sự nghiệp của ông rất phong phú và đa dạng. Có thể trích mấy câu sau của Ch. Patris, một học giả người Pháp để khái quát kết luận nhận định đánh giá về vị quan đại thần này: “Ông là một nhà nho sắc sảo và cũng là một nhà yêu nước cao trọng đối với đất nước ông…, nhất là đối với những kẻ hẩm hiu (tức là dân chúng), chẳng khác gì như cha đối với con”(1).

Vì tính đa dạng và phong phú ở nơi con người, cuộc đời và sự nghiệp của Cao Xuân Dục, nên các công trình nghiên cứu về ông cũng không thể bao quát hết mọi lĩnh vực, mọi vấn đề. Do vậy, ở bài viết này, chúng tôi muốn kể thêm vấn đề “Cao Xuân Dục với sĩ phu yêu nước Việt Nam ở thời đại ông”, đặng có thể bổ sung vào bức chân dung lộng lẫy của ông vốn đã từng tỏa sáng cả hơn một trăm năm nay.

Với các sĩ phu yêu nước sống cùng thời với Cao Xuân Dục từ cuối thể kỷ XIX đến thế kỷ XX.

Nói về tâm tính của Cao Xuân Dục, là người quý tài trọng nghĩa đối với mọi người, nhất là đối với những sĩ phu yêu nước, thì đối với trường hợp Đặng Xuân Bảng (1828-1910), quê ở Nam Định, ông nội của Trường Trinh (Đặng Xuân Khu) cũng rất đáng được ghi nhận. Ông Đặng là người có tài, học cao, hiểu rộng nên được vua Tự Đức giao cho chức Giám sát Ngự sử là chức quan có nhiệm vụ can ngăn vua quan trọng triều. Đặng Xuân Bảng đã từng can vua không nên cử Phan Thanh Giản đem vàng bạc châu báu sang Pháp chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ đã bị chiếm, vì làm như thế sẽ không có kết quả gì. Trước âm mưu Pháp toan xâm chiếm nước ta, họ Đặng tâu xin nhà vua chú ý củng cố lực lượng bản quốc, mở rộng giao lưu với các nước ngoài, phát triển công thương nghiệp, kêu gọi nước ngoài đầu tư vào nước ta làm cho kinh tế giàu phát đạt, góp phần làm cho nước mạnh dân giàu… nhưng triều đình Tự Đức đã không nghe theo kế hoạch của Đặng.. Đặng Xuân Bảng cũng là một nhà nho thạc học, biên khảo nhiều tác phẩm về sử - văn – khảo cổ học có giá trị. Sau khi Đặng Xuân Bảng viết xong bộ sách Việt sử Cương mục tiết yếu thì Cao Xuân Dục đem biếu 20 lạng vàng để cụ Đặng thuê in ấn, lưu lại cho đời sau một công trình biên khảo khoa học có giá trị. Rõ ràng Cao Xuân Dục là một vị quan nhân hậu có tấm lòng công minh và con mắt nhìn thấu tài đức trí tuệ của bạn “đồng liêu” mà không mảy may đố kỵ thiên kiến, thật đáng kính phục(2).

Cũng như vậy, Cao Xuân Dục còn có sự mến phục những văn thân sĩ phu yêu nước chống Pháp khác như đối với người bạn thông gia người cùng quê Diễn Châu là Nguyễn Xuân Ôn (1830-1889). Ông có cách nhìn nhận sâu sắc và ứng xử khôn khéo giúp cho bạn thoát vòng nguy hiểm trước cạm bẫy của nhà đương cục chính quyền thuộc địa. Nguyễn Xuân Ôn cũng gọi là cụ Nghè Ôn, một nhà nho cương trực khảng khái, giàu lòng yêu nước thương dân. Khi làm quan ở trong triều, Nguyễn Xuân Ôn tỏ ý phản đối chủ trương “hòa với Pháp” và bị nhà vu phê vào tờ sớ điều trền về kế sách đánh giặc cứu nước của ông là “Kiến sự phát sinh” (thấy việc nói tràn!) và cách chức, bắt ông trở về quê… Ông đã được Cao Xuân Dục đề nghị nhà vua châm chước tội để được nhẹ bớt.

Sau khi trở về quê, Nguyễn Xuân Ôn tập hợp lực lượng nhân dân, xướng nghĩa Cần vương chống Pháp, xây dựng căn cứ tại xứ Đồng Thông, Yên Thành Bắc Nghệ An tiến hành chống Pháp rất rầm rộ. Bấy giờ Cao Xuân Dục đang làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đã tỏ đồng tình với Nguyễn Xuân Ôn, có làm bài thơ xưng tụng như sau:

Tùng đáo long đông độc mãi hàn,
Cầu chi thần tử hiếu trung gian.
Lý tuy thất nhị hoàn song thị,
Sự tại thiên nan huống vạn nan.
Mộ đáo Lương giang phong túc túc,
Cai tân Vãn thạch đán nan nan.
Mạc tương thành bại anh hùng luận,
Nhất lộ công danh đáo đệ hoàn.

Dịch thơ:

Đứng vững vào đông chỉ có thông,
Tìm nhà con hiếu chọn tôi trung.
Lẽ thường có một mà hai đấy,
Việc khó nghìn đương huống vạn đường.
Giận dữ Lương giang gió giật giật,
Tiếc thương Văn thạch sớm mung lung.
Anh hùng đâu chỉ nơi thành bại?
Thế ấy công danh cũng một đường!

(Nguyễn Thế Nữu và Đặng Quang Lịch dịch)(3)


Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Nguyễn Xuân Ôn không thành công. Ông bị bắt đem về giam ở Diễn Châu, ở Vinh và sau bị đem về Huế giam lỏng khiến cho ông suy yếu dần mà chết. Cao Xuân Dục làm câu đối điếu, trong đó có một vế: “Công tri, công phi, sự đại bách niên phương định luận”. Đó là một cách ca ngợi có ẩn ý (gợi mở) mà rõ ràng, để cho nhiều người và cả chúng ta cũng như hậu thế phải suy nghĩa và xác nhận công trạng của vị sĩ phu liệt sĩ này.

Với Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929), tức Nguyễn Sinh Huy

Đây là một trường hợp khá đặc biệt biểu thị mối ân tình, nhân nghĩa của vị đại thần Cao Xuân Dục đối với gia đình cụ Phó bảng Sắc (thân sinh của Bác Hồ). Vào những năm từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, khi Nguyễn sinh Sắc đậu Cử nhân (1894) rồi, mà không chịu ra làm quan, gia đình vẫn sống ở quê Nam Đàn nghèo khó, vẫn bám chí dùi mài kinh sử để dự thi Hội. Nhưng khi vào Huế, ông vẫn sống cảnh bần hàn với người vợ tấm cám là bà Hoàng Thị Loan là người con gái đầu của cụ Tú Hoàng Xuân Đường, vợ chồng và hai người con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vẫn cơm cháo nuôi nhau ăn học. Dự kỳ thi Hội khoa Ất Vị (1895), Nguyễn Sinh Sắc không đậu. Bấy giờ Cao Xuân Dục làm quan tại đây đã giúp cho vào học trường Quốc tử giám. Nguyễn Sinh Sắc dự kỳ thi Hội lần thứ hai khoa Mậu Tuất (1898) vẫn không được trúng bảng vàng, ông lại được Cao Xuân Dục cưu mang giúp đỡ ít nhiều tiền gạo để gia đình sống qua ngày. Rồi đến khoa thi năm Đinh Sửu (1901), Cao Xuân Dục làm Chánh chủ khảo, nhưng chấm thi xong, cụ rất ngạc nhiên và thương tài đức, trí tuệ của Nguyễn Sinh Sắc mà vẫn không thấy có tên trên bảng vàng. Cụ Cao Xuân Dục cũng biết tài năng chí khí của Nguyễn Sinh Sắc và cũng biết ông Sắc đi thi trong một hoàn cảnh cực kỳ éo le vì bà Hoàng Thị Loan vừa mới qua đời, ông đi thi mong đỗ đạt là để yên lòng người vợ dưới suối vàng và để có thể làm được một cái gì đó cho đất nước, vì theo thông tục cho rằng “chỉ những người đỗ đạt có danh vọng nói ra được gì thì đồng bào mới nghe”. Biết vậy, nên cụ Cao đã khéo léo đề nghị Hội đồng Giám khảo, Bộ Lễ và vua Thành Thái xét lại kết quả và nhất trí lấy đỗ thêm 3 vị Phó bảng, nay xét thêm 3 vị Phó bảng nữa: Nguyễn Sinh Sắc (thứ 11), Nguyễn Duy Thiệu (12) và Phan Châu Trinh thứ 13 là người cuối cùng của danh sách Phó bảng.



Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc “vinh quy bái tổ” rồi nhưng vẫn không muốn ra làm quan, vì chí ông không phải để “làm nô lệ ở chốn quan trường”, nhưng rồi do thời thế đưa đẩy, để được yên thân và để cho hai người con của mình là Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đạt được ước mơ là được học chữ Tây, học cái văn minh khoa học phương Tây. Cao Xuân Dục đã sắp xếp cho cụ Phó bảng Sắc vào nhận chức Thừa biện Bộ Lễ. Hai người con trai của cụ vào học ở trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba, sau đó chuyển lên học ở trường Quốc học. Hai chàng thanh niên này, sau đó, vào năm năm 1908 nhân có “phong trào chống thuế” nổ ra ở miền Trung và lan ra đến các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, cả hai cậu đã tham gia cùng với học sinh Quốc học và nhân dân Huế biểu tình chống thuế trước tòa Khâm sứ và bị đuổi học. Cụ Phó bảng Sắc vì có con là can phạm trong vụ chống thuế nên bị kỷ luật khiển trách nặng nề, nhưng lại được Cao Xuân Dục tìm cách gỡ tội cho. Rồi Nguyễn Sinh Sắc được chuyển bổ vào làm Tri huyện Bình Khê, nơi “đất dữ” Bình Định. Tại đây, trong cách hành xử công vụ, quan Tri huyện thường bênh vực dân nghèo, thẳng tay trừng trị bọn cường hào sâu mọt vốn là thủ hạ của một số thế lực trong triều. Quan Tri huyện lại có lần “sơ ý” để một số chính trị phạm trốn thoát, do đó bị bãi chức kèm theo án “phạt tiền 10 nén bạc và bị đánh đòn 100 trượng đuổi về Nghệ An”. Cao Xuân Dực đứng ra xin cho ông Phó bảng khỏi bị phạt đòn và được phép cứ trú tự do ngoài kinh thành Huế. Cụ Cao còn cho người ra Nghệ An đón cậu Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt) vào Huế tìm công ăn việc làm để giúp đỡ ông Phó bảng. Còn Nguyễn Tất Thành lúc đó trên đường vào Nam, trước khi vào Sài Gòn xuất dương tìm đường cứu nước, đã có một thời gian dạy học ở trường Dục Thanh – Phan Thiết, ngôi trường mà chính Thượng thư Hồ Đắc Trung, Cao Xuân Duc…. Cũng đã vận động một số nhân sĩ tiến bộ như Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lôi, Trần Lê Chất, Nguyễn Hiệt Chi sáng lập từ trước. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) thì những năm cuối thập kỷ 10 và thập kỷ 20 của thế kỷ XX, sau khi bà được kết nạp vào “Hội kín” (tổ chức cách mạng do các sĩ phu yêu nước lập), bà được phân công làm “giao liên” đi quyên góp tiền để ủng hộ các tổ chức Duy Tân hội, Quang Phục hội của Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Phan Bội Châu. Bà vào Kinh thường nhận được sự ủng hộ bằng tiền của hai vị quan đại thần Hồ Đắc Trung và Cao Xuân Dục(4).

Như vậy là Cao Xuân Dục đã chứng tỏ tấm lòng nhân hậu của mình đối với gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Cao đã tận tình cứu giúp gia đình cụ Phó bảng. Ở đây thể hiện không những tấm lòng tận thiện của một vị đại quan, mà còn cho ta thấy ở cụ Cao còn có một nhân cách cao cả khi cụ nghĩ đến mối than giao giữa cụ với cụ Tú Đường thưở hàn vi cùng là “đồng môn, đồng học” với nhau dưới mái trường đại tập của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt. Họ hiểu nhau sâu sắc và vẫn nhớ đến tình bằng hữu cố tri ấy, khi được gặp người con rể của ông bạn Hoàng Xuân Đường xưa ở đất Nam Đàn là Nguyễn Sinh Sắc có tài đức này, há lại không ra tay tế độ? Cho nên cụ Cao đã tìm mọi cách, mọi lúc để giúp rập, khuyến miễn con cháu của bạn. Cụ Cao lại còn quý mến Nguyễn Sinh Sắc đến mức muốn gả cô con gái 18 tuổi là Cao Thị Trâm cho cụ Sắc để giúp “nâng khăn sửa túi” cho Phó bảng Sắc đang trong cảnh “gà sống nuôi con”, chăm dạy 4 người con của bà Hoàng Thị Loan vừa qua đời, hẳn là cụ Cao cũng đã nhìn biết tương lai của cha con vị Phó bảng được xếp là “nho sĩ yêu nước” như mọi người đã thấy ở nơi chí hướng và nhân cách của họ.

Kính phục lòng nhân hậu và tầm nhìn thâu suốt cõi đời của cụ Cao khi chúng ta còn thấy cụ chọn người con rể đầu của mình là Đặng Văn Thụy (1858-1936), một người học trò nghèo khó để gả cô con gái đầu lòng là Cao Thị Bích cho vì cụ cũng xét thấy đây là một trang nam nhi tài giỏi có chí lớn. Sau này Đặng Văn Thụy thi đỗ Hoàng giáp ở khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904) và làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử giám, là “cộng sự” của cụ Cao biên soạn mấy cuốn sử rất có giá trị. Cụ Đặng là bạn đồng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng, được cụ Huỳnh tôn xưng là người anh lớn tuổi, thường đến thăm hỏi, cùng nhau trò chuyện và cụ Huỳnh có thơ để tặng, trong đó có một bài nói rõ tấm lòng cố kết tình đồng chí của nhà chí sĩ này với cụ Tế Đặng, tạm dịch như sau:

Mang chim trĩ hiến nhà Chu nhưng đường không thông,
Nhìn thấy con Lân ở cánh đồng nước Lỗ thì biết rõ Đạo(5).
Trải qua cảnh phong trần nay còn lại mình tôi,
Duyên văn tự kiếp trước này tôi gặp lại, đó là Ông.
Cũng như Lục Kinh còn lại sau khi bị lửa nhà Tần đốt,
Thương thay câu chuyện nước Sở đọc nghẹn ngào.
Vui chơi với nhau, nắm tay nhau không có gì tặng,
Cười chỉ ánh mặt trời chiếu ở cây Phù Tang(6).

Con trai của “cố Tế” cũng có hai người học rộng tài cao và cũng đỗ Phó bảng ở khoa thi Hội năm Kỷ mùi (1919) trong đó có Phó bảng Đặng Văn Hướng sau này được Chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội giữ một chức Bộ trưởng. Vậy là các con cháu nội ngoại của cụ Cao Xuân Dục đều thành đạt và thành danh trong các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử của đất nước. Cụ Cao Xuân Dục thực đáng cho lịch sử Việt Nam tôn vinh là một nhân vật lịch sử, một nhà văn hóa nổi tiếng đã góp công lao tác thành cho các sĩ phu yêu nước tên tuổi của nước ta.

Riêng đối với nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh (1872-1926), thì Cao Xuân Dục lại có mối thiện cảm đặc biệt mà lịch sử phải được biết đến và phải trân trọng ghi chép. Hồi đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh là thủ lĩnh của phong trào Duy Tân, xướng xuất chủ trương cứu nước theo đường lối cải cách ôn hòa, bất báo động, đề cao chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” và hoạt động sôi nổi một thời. Đến khi phong trào “xin sưu chống thuế” nổ ra ở miền Trung, thực dân Pháp đàn áp dã man và quy tội cho Phan Châu Trinh là người chịu trách nhiệm tinh thần về vụ bạo loạn lan rộng khắp các tỉnh miền Trung và chúng tìm cách sát hại vị thủ lĩnh đáng sợ này. Chính quyền thực dân đã hạ lệnh cho Nam triều phải bắt và xử tử hình Phan Châu Trinh ngay lập tức để trừ hậu họa cho nền “bảo hộ”. Phan Châu Trinh bị bắt đưa về Huế. Tòa Khâm sứ Pháp buộc Tòa án Nam triều xử “trảm quyết” theo điều luật 224. Cụ Cao Xuân Dục bấy giờ là Thượng thư bộ Học sung phụ chính đại thần hàm Thái tử Thiếu bảo đã trực tiếp vào cuộc xét xử và cương quyết chống lại lệnh của Khâm sứ Lesvecque khi dõng dạc tuyên bố: “Không thể trảm quyết vì điều luật 224 không nêu phải trảm quyết ngay”. Cụ Cao đã tỏ thái độ dũng cảm chống án “tử hình” ngay cho Phan Châu Trinh, nhờ vậy mà cụ Phan thoát án tử hình và đổi thành án “đầy ra Côn Đảo”, sau đó về đất liền rồi sang Pháp tiếp tục để đến năm 1925 trở về nước cụ lại nổi lên như một lãnh tụ cách mạng chống chế độ thuộc địa theo đường lối đúng đắn đã được xác định từ nhiều năm trước. Cụ vẫn kêu gọi đấu tranh cho dân quyền, dân sinh, dân chủ, cho đến khi qua đời. Cụ đã được lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX tôn xưng là “nhà cách mạng dân chủ chủ nghĩa đầu tiên” của nước ta như ở câu đối viếng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: “Nam Quốc dân quyền tiên tổ chức”, nghĩa là “Tại nước Nam, ông là người tổ chức phong trào dân quyền trước tiên”.

Như vậy nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đã được cụ Cao Xuân Dục hai lần cứu giúp. Lần đầu là “cứu danh” (lấy đỗ Phó bảng năm 1901) và lần thứ hai là “cứu mạng” (tránh cho cái án trảm quyết) để tiếp tục sứ mạng yêu nước – cách mạng. Cụ đã trở thành nhân vật huyền thoại của lịch sử.

Còn như đối với nhà yêu nước – nhà văn hóa lớn Phan Bội Châu (1867-1940) thì Cao Xuân Dục cũng là người góp phần quan trọng cho việc “tạo danh, tạo thế, tạo lực” một cách đặc biệt và đã hết lòng che chở. Để Phan Bội Châu trở thành một “vị anh hùng, bậc thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” như lời đánh giá của Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh), và như chính Phan Bội Châu tự thừa nhận rằng nhờ có được cái học vị đỗ Thủ khoa Cử nhân (Giải nguyên) năm Canh Tý (1900) làm cái “mặt nạ để che mắt đời…, để hoạt động cách mạng…” thì không thể không nhớ đến việc được xóa cái án “hoài hiệp văn tự”, “chung thân bất đắc ứng thì” ở kỳ thi Hương năm 1897. Bấy giờ Phan phải vào Huế tìm cách liên kết đồng chí tiến hành hoạt động cứu nước. Gặp lúc ở trường Quốc tử giám có quan Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh ra đề bài phú Bái thạch vi huynh (Lạy đá làm anh), Phan đã làm được một bài đặc biệt xuất sắc rồi được các vị quan tại Kinh như Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn và Cao Xuân Dục biết đến tài năng và chí khí, nên đã cùng nhau vận động cho Phan được nhà vua yêu nước là Thành Thái ban Dụ xóa án, nhờ đó Phan kịp trở về trường Nghệ dự thi và chiếm được học vị Giải nguyên. Phan bắt đầu có danh cao để việc tập hợp lực lượng các chí sĩ nhân dân vào hàng ngũ “chống Pháp” được thuận lợi. Đó là ân huệ thứ hai mà Phan không thể nào quân được. Tiếp đến, Phan lại vào Huế mạo danh là “tọa Giám” (học ở Quốc tử giám) nhưng thực chất là để tìm người “liên kết đồng chí” hoạt động cứu nước. Phan hay bỏ trường lớp trốn vào Nam mở rộng mạng lưới hoạt động, chuẩn bị lập ra Hội Duy tân. Việc làm này không qua mắt được bọn mật thám bám sát theo dõi của chính quyền Bảo hộ Pháp, cho nên mỗi lần Phan vắng mặt tại Huế là lại bị Tòa Khâm sứ bắt phải trình diện và chịu sự hạch tội, tình thế thật gay go nguy hiểm. Và mỗi lần gặp sự bất trắc Phan lại được cụ Cao Xuân Dục can thiệp và tháo gỡ cho khỏi bị rơi vào vòng lao lý. Phải chăng vì cái ơn cứu nguy ấy mà Phan Bội Châu, trong một bức thư dâng Long Cương Cao Đại nhân, đã có lời trân trọng: “Cho nên ngóng dưới chiều gió mà nghĩ đến ơn trạch, xem ánh mặt trời mùa đông mà tranh nhau chạy tới, thực là lòng thành bắt buộc, không phải dám làm ra bộ giả dối đâu”. Bức thư vừa ngỏ ý mong được Cao Đại nhân thông cảm “hoàn cảnh hoạt động” của Phan Bội Châu mà chiếu cố chở che cho, “ngõ hầu kẻ học trò tài hèn này được thỏa lòng mong mỏi, tài dẫu như gỗ tạp, nhờ ơn thợ khéo uống nắn mà thành, lòng như hoa quỳ chung hướng về thái dương mà mau nở”. Thật là một bức thư “kinh điển” của một Nho sĩ gửi đến vị đại quan tỏ lòng kính ái biết là nhường nào!

Chú thích:

1. Charles Patris. Cao Xuân Dục – Con người tâm tánh, cuộc sống riêng. Bài in trong tập san Những người bạn Cố đô Huế, tập X, năm 1923, Nxb. Thuận Hóa – Huế 2002, tr.486-535.
2. Tư liệu về Đặng Xuân Bảng và Nguyễn Xuân Ôn. Ở đây, chúng tôi dựa vào ý kiến của Hồng Sâm trong cuốn sách viết về Cao Xuân Dụ đã dẫn ở trên, tr.36-37.
3. Vẫn theo tư liệu của Hồng Sâm. Sđd, tr.38
4. Những tư liệu về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên đây đều theo cuốn sách của Thích Nữ Diệu Không, Đường thiền sen nở (Hồi ký) do Hồ Đắc Hoài và Lê Ngân biên soạn, Nxb. Lao động và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội – 2009, tr.20-22.
5. Khổng Tử thấy người ta bắt được con Lân ở cánh đồng nước Lỗ liền nói: Đạo sắp hết rồi chăng? Và dừng bút không viết tiếp Kinh Xuân Thu nữa.
6. Chỉ phong trào Đông du ở Nhật Bản do Phan Bội Châu lãnh đạo.



Tác giả bài viết: Chương Thâu

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français