Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Nhân Cách & Trí Tuệ Cao Xuân Hạo


Cao Xuân Hạo là dịch giả của 20.000 trang sách mà ông đã chuyển ngữ từ tiếng Nga và tiếng Pháp sang tiếng Việt, cả văn học lẫn ngữ học. Nhà thơ Thanh Thảo thì nhận định những bản dịch của Cao Xuân Hạo đã “không xấu hổ để có thể đứng đàng hoàng bên cạnh những nguyên tác, không hề “phản”, cũng không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại thăng hoa chất văn trong Việt ngữ”.

Câu văn của Cao Xuân Hạo rất chặt chẽ, rất rành mạch, rất uyển chuyển và rất mỹ lệ, ngay cả khi nó là một câu văn chính luận. Nó cũng đến với Cao Xuân Hạo một cách thật mau lẹ, dễ dàng. Có hai nguyên nhân. Một là từ vựng tiếng Việt của Cao Xuân Hạo là một cái đĩa cứng, mạnh đến ngàn “ghi”(1) nên cái “trường” (2) cho sự lựa chọn của ông vô cùng rộng lớn; hai là nhờ thấu hiểu qui luật của tiếng Việt đến mức tuyệt đỉnh nên khả năng kết nối từ ngữ của ông là một đường truyền ADSL cực nhanh, cực mạnh, khi được kích hoạt thì lập tức cho ra kết quả. Tôi muốn bắt chước Cao Xuân Hạo nhưng làm sao bắt chước được: cái vốn từ ngữ của tôi chỉ có mấy chục ngàn “mê” (3), còn cái đường truyền của tôi chỉ là ADSL của FPT mà thôi!

Chính nhờ sự thấu hiểu tuyệt vời của mình về tiếng mẹ đẻ, kết hợp với sự tham khảo sâu rộng, sáng suốt và không bao giờ mệt mỏi của mình ở nhiều công trình hữu quan thuộc loại mới nhất của nước ngoài; nên Cao Xuân Hạo chẳng những có nhiều cống hiến to lớn cho Việt ngữ học mà còn buộc người ta hoài nghi nền ngữ học đại cương bằng cống hiến độc đáo và đặc sắc của mình về bản chất của âm vị trong tiếng Việt (và các ngôn ngữ khác cùng loại hình). Lâu nay, người ta cứ mê đắm trong cái biển ngập ngụa chất muối “Âu châu tâm điểm” của ngữ học đại cương mà miêu tả rồi định nghĩa âm vị tiếng Việt chẳng khác gì âm vị trong các ngôn ngữ Âu châu. Cao Xuân Hạo chứng minh rằng làm như thế là không đúng với bản chất của đơn vị này trong tiếng Việt: của tiếng Việt là trường âm vị (macrophonématique) còn của các ngôn ngữ Âu Châu là đoản âm vị (microphonématique). Điều này buộc ngữ học đại cương phải định nghĩa lại khái niệm “âm vị” để cho nó có thể thích hợp với các loại hình ngôn ngữ. Đáng chú ý là Cao Xuân Hạo đã trình bày vấn đề bằng tiếng Pháp, ban đầu là trong bài Le prollème du phonème en Vietnamien (4) (1975), rồi về sau, chi tiết và quyết liệt hơn, trong quyển Phonologie et linéarité-Réflexions critiiaues sar les fostulats de la phonologie contemporaine (5) do SELAT in bên Pháp năm 1985. Ông đã trình bày vấn đề bằng một thứ tiếng Pháp, mà hai đại gia trong làng ngữ học của Pháp là André-Georges Haudricourt và Claude Hagège phải khen là “một thứ Pháp văn tuyệt hảo”. Cái tác động lớn lao của công trình này đã khiến một nhà ngữ học khác của Pháp, Jean-Pierre Chambon, phải thán phục: “Sự thật là có lẽ phải nhìn về cái hướng mà Cao Xuân Hạo đã chỉ ra, chứ không phải cái hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến, để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic trong ngữ học hiện đại”.

Cao Xuân Hạo chống lại cái khuynh hướng Âu châu tâm điểm một cách triệt để và quyết liệt, dĩ nhiên là kể cả về lĩnh vực ngữ pháp. Ông đã đả phá và châm biếm một cách không thương tiếc cái lối phân tích câu của tiếng Việt theo lối “Chủ-Vị” và khởi xướng cách phân tích đó thành hai phần “Đề-Thuyết”, đặc biệt là trong quyển Tiếng Việt- Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991), mà NXB Khoa học xã hội đã tái bản lần thứ ba năm 2006. GS. Nguyễn Quang Hồng đánh giá: “Một điều không thể phủ nhận được là cuốn ngữ pháp của anh Hạo thực sự mang đến một bầu không khí mới cho ngữ pháp tiếng Việt, mà xuất phát điểm vẫn là cái tinh thần vốn thường trực ở Anh cố gắng thoát ra những bế tắc do rập khuôn ngữ pháp Tây Âu đưa lại, tiến tới nhìn nhận tiếng Việt sao cho sát đúng hơn với bản thể và linh hồn của nó.”

Ngoài vấn đề phân tích câu, Cao Xuân Hạo còn có một cống hiến quan trọng nữa là đã trả về cho cái vẫn bị gọi là “loại từ” đúng cương vị chính đáng của nó là “danh từ” mà ông đã chứng minh một cách không thể cưỡng lại được- rồi liên quan đến nó là việc phân chia danh từ thành hai loại: danh từ đơn vị và danh từ khối. Một người học trò xuất sắc của TS. Hoàng Dũng là Nguyễn Thị Ly Kha đã đi theo con đường này và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Danh từ khối trong tiếng Việt hiện đại vào năm 2000.

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français