Họ Cao-Xuân Nghệ An Việt Nam - gia phả - family tree - caoxuan.com - 
Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Hình ảnh ngày lễ giỗ 100 năm Cố Cao Xuân Dục





Diễn văn

Ông Cao Xuân Thành phát biểu nhân ngày giỗ 100 năm

PHIẾU BỔ SUNG THÔNG TIN CHO GIA PHẢ


Kính gửi thành viên đại gia đình dòng họ Cao-Xuân

Ban liên lạc họ Cao-Xuân tại Hà Nội mong muốn thực hiện công việc thu thập thông tin về các thành viên trong đại gia đình Cao-Xuân để cập nhật gia phả của dòng họ, góp phần hoàn chỉnh thêm gia phả, đồng thời tạo cơ sở cho các thế hệ tiếp theo của dòng họ hiểu biết rõ hơn về các mối quan hệ gia đình, dòng họ, từ đó duy trì và phát triển sự kết nối giữa các thành viên trong tương lai.

Ban liên lạc kính đề nghị bà con nhận được phiếu này thì điền thông tin đầy đủ và cập nhật nhất có thể vào các ô của phiếu rồi gửi lại cho ô Cao Xuân Phong, có địa chỉ liên lạc là phongcaox@gmail.com, hoặc Zalo/điện thoại 0913510501, hoặc viber/facebook Phong Cao; hoặc cho bất kỳ thành viên nào khác của Ban liên lạc (gồm các ông Cao Xuân Hạnh 0903261993, Cao Xuân Lâm 0913540827, Cao Xuân Thành 0915340269).

Ban liên lạc xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của bà con!


Tải phiếu bổ sung thông tin gia phả Cao-Xuân

~~~~~~ Tìm hiểu về dòng họ Cao-Xuân ~~~~~~

Thái độ Của Cao Xuân Dục Trong Vụ án Phan Châu Trinh Tại Huế (1908)

“... trong thâm tâm, cụ Cao Xuân Dục luôn dành thiện cảm sâu sắc với những người yêu nước”
Cuộc vận động cải cách Duy Tân của Phan Châu Trinh theo đường lối dân chủ tư sản (1906-1908) đã góp phần tạo ra một làn sóng mới trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng đánh dấu sự gia nhập của phong trào cách mạng Việt Nam vào cao trào “Phương Đông thức tỉnh” với một xã hội đổi mới và một phong trào cách mạng mang nội dung mới, mà ở đó có sự kết hợp đấu tranh yêu nước với đấu tranh giành quyền dân chủ.

Theo báo cáo của Công sứ và Đại lý Pháp lên tòa Khâm sứ Trung Kỳ thì sự phát triển của công cuộc Duy Tân là hiểm họa lớn: Các trường học trở thành những trung tâm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước; Các hội buôn, công ty hiệp thương, thương quán trở thành những nơi hội họp và quyên góp tiền cho các hoạt động yêu nước; Các nhà cải cách như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... tiếp xúc mật thiết với quần chúng bằng các buổi diễn thuyết và thảo luận công khai, hình thành nên phong trào cắt tóc, mặc quần áo ngắn và “cải lương hương tục”, giảm cúng bái rượu chè trong nông thôn..., đồng thời đả kích, đưa những tên tay sai tham quan như Trần Văn Thông, Tri phủ Thăng Bình lên mặt báo ở Hà Nội và Hải Phòng… Trong báo cáo của mình, Công sứ Charles kết luận: “Chính chúng ta là mục tiêu đả kích của họ. Kết luận của tôi dựa vào những điều nghe thấy hàng ngày và sự hiểu biết của tôi về Phan Châu Trinh, người chỉ huy ngầm của phong trào này, một con người rất thông minh, có bản lĩnh nhưng cuồng tín và có thù hận sâu với chúng ta. Hoạt động bắt đầu và tập trung nhiều ở vùng giáp giới hai phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, quê quán của Phan... Tôi cho là đã quá đúng lúc để kết thúc chiến dịch phá hoại tổ chức và quyền lực của chúng ta...”.
Photo of Phan Châu Trinh
Năm 1908, phong trào quần chúng chống xâu thuế đã bùng phát ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến nhiều nơi (gọi là dân biến Trung Kỳ), khiến cho thực dân Pháp hoảng hốt đối phó và tăng cường đàn áp, đánh phá các cơ sở Duy Tân, bắt bớ hàng loạt nhà yêu nước, trong đó có Phan Châu Trinh, với tội danh chủ mưu. Trước sự đốc thúc của viên Toàn quyền, tháng 11/1907, Thống sứ Bắc Kỳ cho đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và tiếp đó đã tiến hành bắt Phan Châu Trinh vào sáng ngày 31/3/1908 “tại một nhà không nhớ số ở phố Hàng Gai” (Hà Nội) theo lời khai của ông ta với chính quyền thực dân sau này. Quá trình bắt và dẫn độ Phan Châu Trinh về Huế xét xử diễn ra rất nhanh. Ngày 2/4/1908, thanh tra Gauthier giải Phan xuống Hải Phòng, ngày 4/4/1908 đến Huế theo đường thủy và ông bị giam giữ tại nhà lao Hộ thành, chân xiềng tay trói, cổ mang gông cùm như tử tù. Mặc dù chủ động trong việc theo dõi, tiến hành bắt, điều tra và lấy khẩu cung Phan Châu Trinh nhưng tòa Khâm sứ không có quyền xét xử, bởi lý do Phan Châu Trinh là nhân vật rất nổi tiếng ở Trung Kỳ, vụ án của Phan Châu Trinh lại thuộc Nam án cho nên thực dân Pháp không thể tham xử mà giao cho Hội đồng Cơ mật Triều đình Huế thực hiện nhiệm vụ này.

Trong tám thành viên của Phủ Phụ chính có Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần Cao Xuân Dục và Thượng thư bộ Lễ Lê Trinh, hai nhân vật đã có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xử án đối với Phan Châu Trinh.

Theo những thông tin và dư luận lưu truyền lâu nay, kể cả bản thân cụ Phan Châu Trinh, thì chính Hội đồng Cơ mật Nam triều đã ngoan ngoãn nghe theo lệnh Toàn quyền và Khâm sứ Trung Kỳ xử tử hình Phan Châu Trinh. Khi bị Chủ tịch liên minh nhân quyền Pháp Pressensé chất vấn tại quốc hội, thì từ Khâm sứ đến Toàn quyền và Thượng thư bộ Thuộc địa đều lấp liếm “vụ này hoàn toàn do Nam triều chủ động, phía Pháp không hề có can thiệp”. Thậm chí họ còn tung tin dư luận: “Nếu không có sự can ngăn nhất định của chính quyền bảo hộ thì Nam triều đã làm thịt Phan Châu Trinh rồi” và chính nhờ sự “can ngăn” đó mà Hội đồng Cơ mật đã làm án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (Đáng chém nhưng giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không được về).

Tuy nhiên, những tài liệu mới do bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre mer, viết tắt là CAOM), được tập hợp in vào sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” (NXB Đà Nẵng, 2001) lại cho thấy sự thật hoàn toàn ngược lại, cùng những vấn đề có liên quan đến Phụ chính đại thần Cao Xuân Dục.

Trong quá trình xét xử Phan Châu Trinh tại Huế, chính Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã cố bắt ép Phủ Phụ chính ra quyết định “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh về tội “mưu đại nghịch” theo điều 223 - Bộ luật Gia Long - Hoàng Việt luật lệ. Nhưng nhờ lương tri và dũng khí của các thượng thư cùng với sự đồng tình của toàn bộ Phủ Phụ chính đã dám lên tiếng cãi lại Lévecque. Đặc biệt, Cao Xuân Dục lúc đó với cương vị là Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần cho rằng, trường hợp này chỉ phải áp dụng điều 224 về tội “mưu phản” chứ “không trảm quyết ngay”. Vì vậy, Phan Châu Trinh đã thoát án chém tức thì. Điều này được bà Lê Thị Kinh đánh giá: “Đây là công lao của Phủ Phụ chính thời Duy Tân năm thứ hai, còn nặng bất bình với thực dân trong việc phế truất vua Thành Thái” (sđd, quyển 2, tập 1, tr. 8). Chính Toàn quyền Đông Dương Bónhure qua một bản báo cáo tổng hợp về “dân biến” Trung Kỳ ngày 22/7/1908 gửi Bộ thuộc địa Pháp đã thừa nhận có sự bất bình trong giới thượng lưu An Nam đối với việc phế truất Thành Thái”(sđd, quyển 2, tập 1, tr. 62).

Trong bản án đầu tiên của Phủ Phụ chính xử Phan Châu Trinh (ngày 10/4/1908), sau khi kết tội chung Phan Bội Châu là “đồng đảng” và phản nghịch, hội đồng đã vận dụng điều 224 của Luật Gia Long để kết tội Phan Châu Trinh là “thủ phạm âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện, xử giảo án treo, sẽ đày đi Lao Bảo, cấm cố chung thân, không được hưởng ân xá”. Bản án dành cho Phan Châu Trinh cho thấy, tuy là một đại thần Hội đồng Cơ mật của Nam triều nhưng Cao Xuân Dục đã không chịu sự ép buộc của Khâm sứ Lévecque. Mặc dù vậy, bản án “nhân đạo” nngày 10/4/1908 đã bị Khâm sứ Lévecque tuyên bố không duyệt. Đoạn trích biên bản họp ngày 11/4/1908 có Lévecque dự và phát biểu tranh luận, có đoạn viết về vụ án Phan Châu Trinh như sau:

“Còn về Phan Châu Trinh thì hình như Hội đồng Cơ mật có sự nhầm lẫn trong việc áp dụng luật. Khi làm án, Hội đồng đã vận dụng điều 224 “Mưu loạn vi hành (mưu làm loạn nhưng chưa làm) thì xử án treo”. Nhưng trong vụ này có thể nói là mưu loạn nhưng chưa làm được không? Ngược lại, chính Phan Châu Trinh trong suốt hai năm qua đã tổ chức vụ sách động vừa nổ ra... Các thành viên của Hội đồng Cơ mật là những vị quan tòa có trách nhiệm phải áp dụng đúng đắn các văn bản pháp luật... Họ đã ám sát một chánh tổng, đã hành hung và trói quan phủ Điện Bàn... Những hành vi ấy chưa đủ để làm án nặng hơn sao? Quan lớn Cao Xuân Dục tuyên bố: “Điều luật 224 không nêu trảm quyết ngay”... “Những thực tế trên cho thấy chính thái độ không phục tùng của Hội đồng Cơ mật, đặc biệt là của vài vị “đương quan” còn dũng khí đã giúp Phan thoát khỏi án chém tại Huế” (Phan Thị Minh (1998), Về bản án Phan Châu Trinh tại Huế cách đây 90 năm, Tạp chí Xưa và Nay số 50).

Sau cuộc can thiệp trực tiếp của Khâm sứ Lévecque, Hội đồng Cơ mật đã phải làm ngay bản án thứ hai vào ngày 11/4/1908 và Lévecque phải duyệt mặc dù nội dung bản án vẫn chỉ xử Phan Châu Trinh với án “trảm giam hậu (chém nhưng giam lại) và bị đi đày chung thân ở Lao Bảo, bị cấm cố thường xuyên và không được ân xá (nhưng sau đó Lévecque và Toàn quyền Pháp đã đổi thành đi đày Côn Đảo).

Có một điểm đặc biệt đáng chú ý, công lao của Phủ Phụ chính mà trong đó có phần rất lớn của Thượng thư bộ Học Cao Xuân Dục giúp Phan Châu Trinh thoát chết đã được ghi nhận, khẳng định với nhiều cảm kích qua bản điều trần bằng Pháp văn có tựa đề “Những cuộc biểu tình năm 1908 của dân Trung Kỳ - Đơn xin ân xá” với chữ ký của Phan Châu Trinh ngày 8/4/1912 tại Paris gửi Liên minh Nhân quyền Pháp để chuyển đến Bộ trưởng Thuộc địa Pháp. Trong đó có đoạn: “Trong một thời gian ngắn, nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Tòa Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (sđd, quyển 4, tập 1, tr. 258, 259).

Bản án xét xử Phan Châu Trinh ở Huế tính đến nay đã tròn một thế kỷ. Tuy nhiên, những vấn đề xoay quanh mối quan hệ giữa những “đương quan” Nam triều với cụ Phan trong đó đặc biệt đáng chú ý là Thượng thư bộ Học sung Phụ chính đại thần Cao Xuân Dục vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm.

Con đường làm quan của Cao Xuân Dục nói riêng và sĩ phu Việt Nam nói chung vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã trải qua những thử thách nặng nề. Làm quan dưới sự thống trị mới và xa lạ của thực dân Pháp, nhiều sĩ phu đã tỏ rõ cái buồn bực trước thời thế đổi thay và cáo quan về làng làm thầy dạy học, thầy thuốc, làm thơ..., xa lánh chốn quan trường. Cũng có không ít sĩ phu vì bất bình trước thân phận của một người dân mất nước nên đã phản ứng rất mạnh, kiên quyết đứng lên đánh Pháp. Bên cạnh đó, có một số sĩ phu cam tâm làm tôi tớ cho giặc mà muôn đời bị nhân dân lên án là Việt gian... Trong hoàn cảnh đó của nước nhà, thân làm Thượng thư, Cao Xuân Dục đã chọn cho mình một lối làm quan rất riêng, rất đặc biệt. Ông làm quan để sử dụng vị trí của mình làm phương tiện, làm cơ hội để gắn bó với thời cuộc khi vận nước lâm nguy đúng như nhà văn Sơn Tùng đã viết: “Cao Xuân Dục ẩn thân chốn quan trường che chở cho dân lành” (Sơn Tùng (2002), Những câu chuyện về Bác Hồ - cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, Báo Sức khỏe và Đời sống, số 150, 151, 152).

Thái độ của Cao Xuân Dục đối với Phan Châu Trinh trong vụ án ở Huế (ngày 10/4/1908) không phải là một sự nhận thức, hành động cảm tính nảy sinh trong quá trình xét xử mà xuất phát từ những căn nguyên ý thức hệ tư tưởng và mối thâm tình đã ăn sâu “trong thâm tâm, cụ Cao Xuân Dục luôn dành thiện cảm sâu sắc với những người yêu nước” (Phan Đại Doãn (2003), Cao Xuân Dục và hệ tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 141). Thực ra mối liên hệ giữa Cao Xuân Dục và Phan Châu Trinh đã bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong khoa thi Tân Sửu (1901) mà Phan Châu Trinh và Nguyễn Sinh Sắc đi thi và đỗ Phó bảng, Cao Xuân Dục là chánh chủ khảo. Ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh cả Bác Hồ - đã từng kể với nhà văn Sơn Tùng rằng: “Khoa thi Hội Tân Sửu, nếu không có cụ Cao Xuân Dục tọa vị chánh chủ khảo để phúc khảo thì bác Phan Châu Trinh và phụ thân Bác lại bị đánh hỏng lần nữa” (Sơn Tùng (2002), Những câu chuyện về Bác Hồ - cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, Báo Sức khỏe và Đời sống, số 150, số 151, số 152). Vậy có thể thấy, sự đồng cảm về số phận của kẻ sĩ xưa, lòng trắc ẩn tiếc nuối, kính nể tài năng và chí khí của những sĩ phu yêu nước có tư tưởng tiến bộ đầu thế kỷ XX là nguyên nhân chính dẫn đến việc Cao Xuân Dục đã tìm cách để cố tránh cho Phan cái chết dưới bàn tay đao phủ. Đó cũng chính là dũng khí và thái độ không hoàn toàn phục tùng của Hội đồng Cơ mật trong vụ án xét xử Phan Châu Trinh.

Thân là quan lớn Nam triều “thời quản lý”, dưới bàn tay của chế độ bảo hộ, nhưng Cao Xuân Dục không bao giờ đánh mất nhân cách mình. Chính tập tài liệu mật ở phòng nhì của Pháp về “Hồ sơ quan tổng đốc Cao Xuân Dục” (ngày 23/5/1897) đã xác định thêm mối quan hệ không “mặn mà” giữa Cao Xuân Dục với chính quyền thực dân. Viên Công sứ Nam Định LeNorman trong một bức thư gửi Tổng thư ký phủ toàn quyền Pháp (ngày 19/5/1897) đã đánh giá về Cao Xuân Dục như sau: “Cao Xuân Dục thực sự là một ông quan chính hiệu, rất có học thức và rất độc đoán, rất mực cao ngạo. Nhưng ông ta không đem lại sự thật thà vốn rất cần thiết trong quan hệ giữa ông ta với chúng ta... Ông ta vốn không phải là người nhiệt tâm đi theo chúng ta... Đáng lẽ ra phải cất bước đi cùng nhịp với chúng ta thì ông ta đã giả vờ che đậy và tìm cách giảm bớt vị thế của người Pháp trước người bản xứ” (Tài liệu gốc về Cao Xuân Dục tại Cục lưu trữ quốc gia I bằng tiếng Pháp và chữ Hán, bản dịch của PGS Hoàng Văn Lân).

Có một sự kiện rất thú vị về Cao Xuân Dục trong cách ứng xử với bọn thực dân đó là: vào tháng 10/1888, khi được biết rằng ông Đội Lệ về công cán ở làng và tống tiền dân, Cao Xuân Dục đã đem ra xử và cách chức y. Viên Công sứ tỉnh Hải Phòng bèn can thiệp và trong lúc cãi nhau, có thái độ khinh miệt quan lại Nam triều nên Cao Xuân Dục đã vác ghế đánh ông này.

Đó là một trong những hành động thể hiện rõ thái độ của Cao Xuân Dục đối với thực dân Pháp. Chính sự không phục tùng, thái độ không “ngoan ngoãn” nghe theo lệnh của Toàn quyền và Khâm sứ Trung Kỳ là một yếu tố tác động đến bản án “nhân đạo” dành cho Phan Châu Trinh.

Thái độ của Cao Xuân Dục trong vụ án xét xử Phan Châu Trinh ngoài những vấn đề thuộc tình cảm, nhận thức lý trí cá nhân còn hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc của học thuyết Khổng Tử, điều mà cả cuộc đời trong chốn quan trường Cao Xuân Dục luôn muốn hướng tới, đó chính là “tính cách và tâm thức thăm thẳm của con người Việt Nam có học, của trí thức Việt Nam đích thực”. Hay nói cách khác, đó là quá trình thực hiện trách nhiệm cơ bản và chung thân suốt đời của kẻ sĩ: “Lấy điều nhân làm trách nhiệm của mình” (1). Vụ án xét xử Phan Châu Trinh đã tỏ rõ một điều: dầu ở vào buổi hoàng hôn của một vương triều, đất nước lại nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, không ít vị văn thân chỉ là bù nhìn (hoặc) cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp thì vẫn có những vị đại thần còn tỏ được vai trò lương đống (rường cột) quốc gia, chứ không xu thời, xu phụ làm những điều trái với lương tâm, vẫn chứng tỏ được phẩm chất và tiết tháo nhà Nho đáng quý và Cao Xuân Dục là một trong số những “xuất quan” như vậy./.



Tài liệu tham khảo:

(1) Hoàng Văn Lân, “Bảy luận điểm về kẻ sĩ trong học thuyết Khổng Tử”, Tạp chí Thông tin KH&CN Nghệ An, số 4/2005.

Trần Quốc Bảo

http://www.ngheandost.gov.vn/?module=311&subID=134&newsID=293&sid=KHCN223990375954368977675749

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français