Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Cao Xuân Dục - Tác Gia Hán Nôm Cuối Thế Kỷ XIX đầu Thế Kỷ XX


Hoàng Thị Ngọ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cao Xuân Dục tự Tử Phát, hiệu Long Cương, sinh năm 1842 ở xã Thịnh Khánh (sau đổi là Thịnh Mỹ), huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở trẻ ông học giỏi, thông minh nhưng mãi đến năm 1876 mới thi đỗ Cử nhân, năm 1877 ông lại bị đánh hỏng ở khoa thi hội. Mở đầu con đường hoạn lộ, ông nhận chức Hậu bổ Quảng Ngãi, được quan Bố chánh Quảng Ngãi là Trà Quý Bình tiến cử, ông được thăng chức Kinh lịch. Sau đó được Đoàn Khắc Nhương Tuần phủ Nam Ngãi bảo cử, ông được thăng chức Tri huyện Bình Sơn, sau chuyển làm Tri huyện Mộ Đức. Năm 1880, ông được thăng hàm Hàn lâm viện Biên tu, sau đó năm 1881, ông được điều về Huế. Ở Huế, ông lần lượt làm việc ở Bộ Hình rồi Nha Thương bạc.

Tháng 4 năm 1882, quân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ 2, Hà Nội và Nam Định lần lượt thất thủ. Cao Xuân Dục được cử vào phái bộ do Trần Đình Túc dẫn đầu ra Hà Nội thương thuyết. Sau đó ông được Trần Đình Túc đề cử làm Thự Tri phủ Ứng Hoà. Nhờ làm việc mẫn cán, lập nhiều công trạng trong việc trấn áp các lực lượng chống đối, Cao xuân Dục được Tuần phủ Hưng Yên Đinh Nho Quang đề nghị thăng thưởng. Năm 1884, ông được thăng hàm Hồng lô tự thiếu khanh và điều về Huế giữ chức Biện lý Bộ Hình, cuối năm ấy lại đổi làm Án sát Hà Nội.

Tháng 5 năm 1885 ông được thăng làm Bố chánh Hà Nội, tháng 9 năm 1885 ông được thăng hàm Thị lang sung Hải Phòng sứ tỉnh Hải Dương. Tại đây, do bất đồng ý kiến và xô sát với viên Công sứ Pháp, Cao Xuân Dục bị giáng một cấp. Năm sau ông xin chuyển về Hà Nội.

Năm 1889, Cao Xuân Dục nhận chức Tán lý quân vụ, dưới quyền Bắc Kỳ Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải, với nhiệm vụ đàn áp các nhóm nghĩa quân chống Pháp ở Hải Dương. Bằng thái độ mềm mỏng ông đã thu được nhiều thành công và được triều đình Thành Thái thăng làm Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1890, Cao Xuân Dục được thăng chứ Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên.

Năm 1893, Cao Xuân Dục được ban tước An Xuân Nam. Năm 1894 , ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi hương Hà Nam, sau đó được phong hàm Thự Hiệp biện đại học sĩ lãnh Tổng đốc Nam Định- Ninh Bình.

Năm 1898, Cao Xuân Dục được điều về Huế sung Tổng tài Quốc sử quán. Khoa thi hội năm 1901, ông được cử làm Chánh Chủ khảo rồi được giao quyền quản Quốc tử giám.

Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học sung phụ chính đại thần.

Năm 1908, ông được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, đến 1909 được thăng tước An Xuân tử.

Năm 1913, Cao Xuân Dục xin về nghỉ hưu với hàm Đông các Đại học sĩ. Ông mất ngày 5 tháng 6 năm 1923 (tức ngày 21 tháng 4 năm Quý Hợi), thọ 81 tuổi.

Trước tác của Cao Xuân Dục khá nhiều, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: lịch sử, địa lý, luật, thơ văn, giáo dục,...

Các tác phẩm chính của Cao Xuân Dục có thể thấy như sau:

- Quốc triều hương khoa lục
- Quốc triều khoa bảng lục
- Quốc triều tiền biên toát yếu.
- Quốc triều chính biên toát yếu.
- Đại Nam thực lục ( Đệ ngũ kỷ và Đệ lục kỷ)
- Đại Nam dư địa chí ước biên Thông quốc thổ sản
- Viêm giao trưng cổ ký
- Đại Nam nhất thống chí
- Quốc triều luật lệ toát yếu
- Thư mục: Đại Nam quốc sử quán tàng thư mục.
- Nhân thế tu tri.
- Thù phụng biền thể
- Khâm định nhân sự kim giám.
- Luận thể tân tuyển.

Về văn học, thơ văn của Cao Xuân Dục có trong các sách sau:

- Long Cương văn tập - ký hiệu VHv.1573 G
- Long Cương văn tập - ký hiệu 1573 H
- Long cương hưu tần hiệu tần tập - ký hiệu VHv.680/3 (683/3)
- Long Cương hưu đình hiệu tần tập - ký hiệu VHv.398
- Long Cương bát thập thọ ngôn biên tập - VHv.674
- Long Cương Bắc trấn hành dư thi tập - ký hiệu VHv.665
- Long cương Bắc trấn hành dư thi tập- ký hiệu VHv.666
- Tân giang từ tập - VHv. 273
- Thù phụng biền thể - VHv.440
- Thực thu Đông các cáo văn tịnh đối liên - Vhv. 669
- Thượng Long Cương Cao đại nhân thư phụ đối liên điếu văn thi tập- VHv.2160
- Tiết ngọc đối liên - A.410

Nhìn vào số lượng đầu sách có thể thấy ông viết rất nhiều, đủ các loại thể tài, chủ đề, nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cả một đời trên con đường hoạn lộ, gánh vác những trọng trách mà ông còn sáng tác được số lượng lớn thơ văn như vậy hẳn phải là một con người có văn tài luôn luôn muốn đem hết sức lực, tài cán phục vụ cho xã hội và cũng muốn vì quốc gia, dân tộc. Tìm hiểu đánh giá về cuộc đời, tư tưởng và những cống hiến của ông là một công việc hết sức khó khăn, phúc tạp, bởi vì ông không thuộc lớp người lâu nay vẫn được các nhà nghiên cứu, các công trình đề cao với nhiều công tích như cần vương, xả thân chống thực dân Pháp xâm lược, chống đối lại triều đình phong kiến phản động, hèn yếu, tàn bạo ... hay ẩn dật để giữ trọn khí tiết.

Cao Xuân Dục sống vào nửa cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX. Đây là thời đoạn có nhiều biến cố lịch sử, có nhiều thay đổi lớn trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc.

Từ năm 1858, nước ta bắt đầu đối diện với nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Trong khi thực dân Pháp phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, ráo riết mở rộng chiến tranh, từng bước đánh chiếm Bắc kỳ thì vương triều Nguyễn cũng bộc lộ sự khủng hoảng, suy vong cho đến sụp đổ hoàn toàn sau hai hàng ước 1883 và 1884. Thực dân Pháp đã biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Với nhiều chính sách cai trị của chúng, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi về cơ cấu, kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, ...Chính chế độ chính trị và bộ máy cai trị của kẻ xâm lược đã tạo nên sự phân hóa cơ bản trong tầng lớp nho sĩ vùng Trung Bắc, hoặc trở nên bất lực, hoặc bị tha hóa. Có người theo phong trào Cần Vương, và các phong trào yêu nước, cách mạng chống Pháp; có kẻ làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp, tiếp tay cho quân xâm lược chống phá các phong trào yêu nước và tàn sát nhân dân, cũng có người theo truyền thống bước vào con đường thi cử, hoạn lộ nhưng tấm lòng vẫn luôn nghĩ đến nước, đến dân,...

Khi nói về việc thi cử , đỗ đạt ra làm quan, Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từng nói rằng: "...Học thì phải đi thi, thi thì phải đỗ, đỗ thì phải ra làm quan. Nhà nho mình ra làm quan thời buổi này, khoan phần nào dân nhờ phần ấy... có điều đám mình cứ phải giữ lấy bản lĩnh, không nên theo thói hồ trành". Cao Xuân Dục đã đi theo con đường thi cử, hoạn lộ sau khi thi đỗ cử nhân năm 1876. Để khẳng định rõ về con người, tư tưởng, phẩm chất chính trị của ông cần phải có thêm tư liệu và phải nghiên cứu kỹ cuộc đời và sự nghiệp cùng những ứng xử của ông trong suốt con đường hoạn lộ. Nhưng những trước tác, những công trình biên soạn của ông để lại có thể cho phép nhận định rằng: ông là một người có tinh thần dân tộc đồng thời là một học giả thực sự. Ngay cả Charles Patris, một quan chức Pháp cũng phải nhận định về những công trình, trước tác của ông, đó là "những công trình được bố cục và hành văn một cách trang nhã mà vững vàng, thấm đượm niềm say mê của tác giả đối với lịch sử của tổ quốc, của tôn giáo, của dân tộc".

Nhưng cho đến nay, mọi người đều biết đến Cao Xuân Dục trước hết là một sử gia, một nhà giáo dục có tinh thần dân tộc, một học giả thực sự qua những công trình, những trước tác về lịch sử và giáo dục của ông. Không chỉ có những đóng góp về sử học, giáo dục học, trong trước tác của ông còn một mảng lớn thơ văn hầu như có rất ít người đề cập đến. Thơ văn Cao Xuân Dục có thể thấy một cách khái quát như sau :

Trong suốt cuộc đời, từ khi chưa đỗ đạt cho tới khi làm quan rồi về hưu trí, Cao Xuân Dục để lại khá nhiều thơ văn cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Có thể nói hầu hết các thể văn chữ Hán đều có mặt trong trước tác của Cao Xuân Dục như: thư trát, hiểu cáo, văn tế, văn cầu, văn điếu, biểu, tấu, trướng, sớ, diễn thuyết, phú, câu đối,... bộ sách Long Cương kinh để hành dư văn tập gồm 15 quyển (trong 8 tập), ký hiệu VHv.1573a tập trung nhiều nhất các bài văn của ông. Ông viết sớ xin ban sắc văn, viết điều trần vể tình hình đê điều, viết hộ các bài trướng mừng thi đỗ, viết hộ các bài mừng được phong tặng, viết giúp biểu tạ ơn,.... ngoài ra còn có các bài điệp ghi các nghi tiết, nghi phẩm cung tiến. Cao Xuân Dục là người được "nhờ" viết hộ khá nhiều bài với nhiều nội dung khác nhau. Ông còn viết tựa cho các gia phả, thế phả, đề tựa cho nhiều cuốn sách, tập trung nhiều nhất ở Long Cương kinh để hành dư văn tập quyển thập. Cao Xuân Dục cũng viết nhiều bài văn bia ghi công đức, bia trùng tu, bia văn từ, bia chùa... tập trung ở Long Cương kinh để hành dư văn tập quyển 11.

Thơ Cao Xuân Dục nằm rải rác trong nhiều sách, đó là thơ đối đáp, xướng hoạ với bè bạn, đồng liêu. Trong các tập sách đều chép cả các bài xướng và hoạ của Cao Xuân Dục và những người khác. Các tập văn thơ Cao Xuân Dục phần lớn là văn bản chép tay, được tập hợp theo từng thời kỳ khác nhau, khi ông làm quan ở các nơi khác nhau. (Những sách chính có thơ văn của ông đều đã được mô tả ở mục lục chi tiết kèm theo)

Về thơ ca quốc âm viết bằng Nôm, Cao Xuân Dục có một số bài thơ ca trong tập 14 của Long Cương kinh để hành dư văn tập, đó là các bài Lục thập song thọ ca, lục thập đối chước, lục thập ngẫu thành, bài Vô đề. Trong tập này còn có các bài có tứ khá đặc biệt mỗi câu phương ngôn dùng tên một loài cầm thú:

"Một sáo ba voi chẳng thấy gì,
Thuồng luồng ở cạn cũng lạ kỳ,
Vò vò xây tổ sao trọn đặng,
Triền triện vào rừng đã thấm chi.
Cóc đỗ đầu dường xem dễ dãi,
Ruồi bu bát mật đuổi khôn đi..."

Ngoài ra còn có một số bài phú, thơ, bài gửi phu nhân, chúc thọ mẹ ngày đầu năm, ngày sinh nhật... Cao Xuân Dục còn có một tập thơ Nôm theo thể lục bát nhan đề Nhật trình diễn ca..

Văn của Cao Xuân Dục tập trung ở những thể tài sau:

1. Văn chương hành chính : bao gồm những bài như điệp, thư trát, hiểu cáo, biểu...
2. Văn chương chính luận: bao gồm những bài thuyết, luận, những bài tựa sách thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng.
3. Văn tế, cáo, cầu, tạ ơn, mừng, điếu...

Những bài thuộc các thể tài này có khi ông viết cho gia đình, nhiều khi viết hộ cho các tổng, xã, hội, giáp, làng và các cá nhân khi có dịp cần một bài văn hay thể hiện nội dung theo yêu cầu.

4. Phú.
5. Câu đối
6. Thơ: gồm thơ chữ Hán và thơ quốc âm.

Thơ văn Cao Xuân Dục thể hiện rõ tư tưởng, quan điểm Nho giáo.

Nghệ thuật thơ văn Cao Xuân Dục:

Thơ văn Cao Xuân Dục gồm nhiều thể tài khác nhau và phong phú về nội dung thể hiện. Đương thời chắc chắn ông phải là người nổi tiếng về văn tài nên mới được người đời tín nhiệm nhờ viết thể hiện hộ tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mình. Qua thơ văn của ông điểm rõ nét nhất thường thấy là văn chương thể hiện sự bác học, uyên bác, sử dụng nhiều điến cố, điển tích phù hợp với nội dung, mục đích thể hiện của bài viết. Văn chương của ông giầu hình ảnh, ngôn ngữ sống động và mang đậm tính triết lý. Văn tài của ông cũng được thể hiện khá rõ trong các bài văn chính luận, văn chương hành chính, đó là sự súc tích, khúc triết, lập luận chặt chẽ, thuyết phục trong cách trình bày.

Thiết nghĩ, ngày nay chúng ta đứng trên quan điểm lịch sử nhìn nhận, đánh giá về quá khứ cũng cần có cái nhìn công bằng hơn, thấu đáo hơn. Trong hoàn cảnh xã hội đầy biến động như thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì số phận các nhà nho thi cử đỗ đạt rồi ra làm quan như Cao Xuân Dục cũng không phải ít người. Nói như Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy: học là phải đi thi, thi thì phải đỗ, đỗ thì phải ra làm quan có điều làm quan như thế nào để dân được nhờ. Như vậy đánh giá về các nhà Nho làm quan cho triều đình nhà Nguyễn dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp thì phải nhìn vào cách hành xử của họ trong phạm vi chức trách mà họ đảm nhận, những cống hiến của họ cho nhân dân, cho dân tộc. Với Cao Xuân Dục ông luôn là một người mẫn cán trong công việc, không nhân nhượng, không chịu luồn cúi với người Pháp, theo gia phả ghi có lần do phản kháng lại người Pháp ông đã bị giáng xuống một cấp. Được giao nhiệm vụ đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, ông tránh không dùng bạo lực mà chỉ dùng phương pháp thuyết phục, mềm dẻo để tránh đổ máu. Qua thơ văn có thể thấy ông là một người giầu lòng yêu quê hương đất nước, dạt dào xúc động trước mỗi cảnh đẹp mà ông có dịp đi qua. Với người thân, với bạn bè, với các hương giáp... ông đều nhiệt tình, thân thiết giúp đỡ, bằng văn tài mà giúp họ tỏ rõ tấm tình. Qua mỗi bài văn dù là làm hộ hay viết cho mình ông đều thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng, thế giới quan của mình, đó là quan điểm, tư tưởng, thế giới quan của một nhà nho, theo truyền thống tư tưởng đạo đức nho giáo. Đó cũng là hạn chế chung của các tác gia theo con đường khoa cử, quan nghiệp thời phong kiến. Nhưng cái lớn lao nhất trong con người ông là tấm lòng đối với truyền thống văn hoá dân tộc. Ông để khá nhiều tâm huyết để biên soạn nhiều công trình giá trị đã được đời sau đánh giá cao. Đó cũng chính là đóng góp của ông đối với lịch sử, với dân tộc, là tấm lòng hướng về cội nguồn, là sự nghiệp lớn lao mà suốt cả cuộc đời ông dành hết tâm chí theo đuổi.

Trong thời đoạn mà văn hóa dân tộc có nhiều biến chuyển lớn do tác động, ảnh hưởng của nền văn hoá văn minh phương Tây thì việc làm của Cao Xuân Dục, và những tác phẩm của ông như Nhân thế tu tri, Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục, Quốc triều tiền biên toát yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí,... cùng rất nhiều tác phẩm khác nữa của ông là những công trình và tấm lòng của một học giả đáng để chúng ta và hậu thế trân trọng biết bao./.

(Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.730-739)

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français