Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Họ Cao Và Nguồn Gốc Diễn Châu




Vị trí địa lý Diễn Châu

Phía nam giáp huyện Nghi Lộc, phía bắc giáp huyện Quỳnh Lưu, phía tây giáp huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), phía đông giáp biển Đông. Huyện Diễn Châu nằm cách thủ đô Hà Nội 270 km, cách thành phố Vinh 40 km. Huyện Diễn Châu có đường quốc lộ 1A, kênh nhà Lê, sông Bùng và Đường sắt Bắc Nam đi qua.

Lịch sử
Thời Hùng Vương, Diễn Châu nằm trong Bộ Hoài Hoan. Sau đó, thuộc quận Cửu Chân rồi quận Cửu Đức, quận Nhật Nam;

Thời nhà Đường:
* Niên hiệu Vũ Đức chia quận Nhật Nam đặt làm Nam Đức châu, Lạo châu, Minh Châu và Hoan Châu,
* Năm Trinh Quán nguyên niên đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu;
* Năm thứ 16 bỏ Diễn Châu hợp vào Hoan Châu.

Nhà Lý: đổi làm trại; năm Thiên Thành thứ 2 (năm 1030) Hoan Châu đổi tên là Nghệ An, Diễn Châu tách khỏi Nghệ An thì đứng riêng làm châu; Nghệ An lúc đó là vùng đất còn lại và tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.

Nhà Trần:
* Năm Long Khánh thứ 3 đổi Diễn Châu làm Diễn Châu lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam và Nghệ An nam, Nghệ An bắc, Nghệ An trung, cũng gọi là Nghệ An phủ;
* Năm Quang Thái thứ 10 đổi Nghệ An làm Lâm An trấn, Diễn Châu làm Vọng An trấn;

Nhà Hồ: đổi Diễn Châu làm Linh Nguyên phủ, cùng với Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu gọi là tứ phụ;

Thời thuộc nhà Minh: Diễn Châu và Nghệ An là 2 phủ riêng biệt;

Nhà Hậu Lê:
* Phủ Diễn Châu thuộc Nghệ An thừa tuyên.
* Năm Hồng Đức thứ 21 đổi thừa tuyên Nghệ An thành xứ Nghệ.

Phủ Diễn Châu là một trong 8 phủ của Xứ Nghệ, quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành (Yên Thành và Diễn Châu) và Quỳnh Lưu;

Thời nhà Nguyễn:
* Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Nghệ An chia tách thành 2 tỉnh: tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An.

Phủ Diễn Châu là một trong 4 phủ của tỉnh Nghệ An, gồm: Đông Thành, Yên Thành, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu.

* Năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ: Huyện Đông Thành đổi tên thành huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ngày nay: Diễn Châu là một huyện của tỉnh Nghệ An.

Họ Cao

Họ Cao phát xuất từ Nho Lâm, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành (nay là Diễn Thọ - Diễn Châu - Nghệ An) có thể từ thời ông Cao Lỗ. Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) (còn gọi là Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.

Cao Lỗ là một anh hùng sáng tạo văn hóa, là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, dựng đô. Ông can gián vua Thục đừng gả Mỵ Nương cho Trọng Thủy. Vua Thục không nghe, đuổi ông khỏi thành Cổ Loa. Ông về Nho Lâm ẩn thân. Khi quân giặc đến đánh, vua Thục thua bỏ chạy. Cao Lỗ ra tiếp ứng vua Thục nhưng không đánh lại, bị giặc truy lùng khắp nơi. Ông phải về quê trú ẩn, đổi tên và làm nghề rèn sắt. Cũng có giả thuyết là ông tử trận khi đến cứu vua Thục.

Cuối thế kỷ XIV có ông Cao Thiên Trí và vợ là Khổng Thị Tám đến lập nghiệp tại Nho Lâm. Ông bà này được gọi là ông bà Non, ra công khai phá lập ấp. Ông bà Non có 4 con trai 4 con gái, sau này đi lập gia đình nơi xa và từ đó họ Cao có mặt tại nhiều nơi trong Việt Nam, trong đó có nhân vật nổi tiếng lịch sử như Cao Bá quát, Cao Thắng.

Ngày 10 tháng 2 âm lịch mỗi năm, con cháu họ Cao cùng về tụ họp phụng cúng tổ tiên tại nhà thờ Cao Đại Tôn ở Nho Lâm.

Người họ Cao rất hiếu học. Ví dụ Cao Giãn Liên, Cao Như Nhật, Cao Trọng Sính, Cao Đăng Nghĩa, Cao Đăng Vĩnh, v.v... và dòng họ Cao-Xuân ở Diễn Châu Nghệ An.

Ở thôn Thịnh Mỹ Diễn Châu Nghệ An có ba chi họ Cao: Cao-Xuân, Cao Huy và Cao Văn - thảy đều có thể phát xuất từ ông bà Non.

Ông tổ họ Cao-Xuân cũng có thể là ông Cao Quýnh thời vua Lê Thánh Tông. Ông Cao Quýnh thi Hương đỗ Cử nhân lúc 27 tuổi, sau đó thi Hội khóa Ất Mùi (1475) đỗ hội Nguyên và thi Đình đỗ Thám Hoa làm quan tới chức Đông Các Đại Học Sĩ và được khắc tên trong Văn Miếu, Hà Nội. Từ ông Cao Quýnh đến ông Cao Xuân Dục là khoảng 13 đời.



_____________
Tham khảo:
* Cao Xuân Dục - một sĩ phu có tinh thần dân tộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Lê Thị Hồng Lâm (luận văn thạc sĩ - Vinh 2005)
* wikipedia.
* Nguồn Gốc Họ Cao Việt Nam

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français