Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

BS Cao Xuân An - Người Thầy Thuốc Khả Kính đã Ra đi!



Nói về BS Cao Xuân An, gia đình chúng tôi luôn luôn nhắc đến những mẫu chuyện thật khó quên của người thầy thuốc đặc biệt này.

Trước hết, chúng tôi được biết đến BS An là do ông đỡ đầu cho cậu thứ bảy của tôi được vào học Cán Sự Phòng thí nghiệm ở viện Pasteur Sàigòn. Sau khi ra trường Cậu Bảy tôi làm phòng thí nghiệm tại BV Sàigòn, dưới thời BS Nguyễn Phước Đại làm giám đốc. Chỉ biết nhau có vậy thôi.Chẳng có gì đặc biệt.

Vậy mà mọi người trong đại gia đình tôi, mỗi khi có ai đau ốm đều viếng phòng mạch của ông ở đường Phạm Hồng Thái, gần ngã Sáu Phù Đổng. BS Cao Xuân An mở chung phòng mạch với thân phụ ông , là BS Cao Xuân Cẩm. Hai cha con đều là BS, chia ngày để khám bệnh. Tôi để ý thấy lúc nào đến phiên BS An, khách bệnh cũng tấp nập, có khi ông khám đến 8-9giờ tối.

Bệnh nhân lớn tuổi nhất trong gia đình tôi là ông Ngoại tôi, lúc đó đã ngoài 60, rồi đến bà Ngoại tôi. Nhỏ nhất là em trai út của tôi, mới 4-5 tuổi. Mẹ tôi, một đời dạy học, bị lao phổi, nên là bệnh nhân thường xuyên của BS Cao Xuân An.

Cũng như mọi bệnh nhân, chúng tôi rất tin tưởng khi đi khám bệnh tại phòng mạch của ông. Lúc đó chưa có hệ thông vi tính để lưu trữ hồ sơ bệnh nhân. Nhưng BS An có đặc biệt là nhớ từng người bệnh thật rõ ràng và chi tiết.

Mỗi khi mẹ tôi vào phòng mạch, BS An đều hỏi thăm sức khỏe của Ông Bà Ngoại tôi. Ông bảo mẹ tôi không được cho Bà Ngoại tôi ăn cá khô, không bổ dưỡng gì. ( Nhưng Bà Ngoại tôi có thói quen ăn cá khô mặn mới ăn được nhiều cơm ). Ông hỏi thăm vết gãy ở xương đùi trái của Ông Ngoại tôi có bị hành nhức khi trời trở lạnh không ?.....

Một hôm, trên đường đi dạy về, mẹ tôi thấy một chiếc xe hơi dừng sát bên lề, cạnh mẹ. BS An từ xe bước xuống dặn mẹ tôi chiều nay tới phòng mạch để bác sĩ khám, cho toa thuốc uống , vì ông sắp đi Mỹ, hai tháng sau mới về. Tôi nhớ rằng BS An chữa bệnh lao phổi cho mẹ tôi miễn phí ! Nhiều lần mẹ tôi tìm cách trả tiền visite, nhưng BS An không nhận. Mẹ tôi phải kín đáo bỏ 20 đồng tiền khám bệnh vào túi áo blouse của cô Lan, y tá của BS An. Sau đó BS An biết được, bảo cô Lan trả lại. Vì “ Bà giáo lương có bao nhiêu mà phải mang bệnh nghề nghiệp nầy thì trị lâu, tốn kém lắm. Cứ yên tâm, để tiền mua thức ăn bồi bổ thì tốt cho việc trị bệnh lao, nhé ! ”

BS An có một cố tật là hút thuốc rất nhiều, có lẽ là nhiều hơn tất cả những người hút thuốc mà tôi từng biết. Thuốc ông hút duy nhất là Ruby Queen quân tiếp vụ. Từ khi bước vào phòng mạch, những điếu thuốc Ruby Queen liên tục nối đuôi nhau cháy trên môi ông. Điếu nầy chưa cháy hết ông đã mồi điếu khác ! Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ ông nên tìm một điếu thuốc dài 1 hay 2 m để khỏi phải mồi nhiều lần. Sau nầy, khi viếng thăm những hãng làm thuốc lá, tôi thấy máy vấn ra những điếu thuốc dài rồi cắt ra từng điếu ngắn. Nhưng tôi không biết BS An ở đâu để mách ông ấy; ông đã ra nước ngoài tự bao giờ tôi không rõ ! Ngay lúc bấy giờ, tôi không nghĩ ra việc tặng ông những cây thuốc Ruby Queen Quân Tiếp Vụ, thay cho tiền khám, để mẹ tôi không phải kín đáo bỏ 20 đồng tiền khám vào túi cô Y Tá Lan dễ mến, mà vẫn bị từ chối.

Chính tôi cũng là một bệnh nhân của BS Cao Xuân An, một bệnh nhân đặc biệt nặng. Đó là vào năm 1960, tôi học Đệ Tứ trường Pétrus Ký, chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp. Tôi bắt đầu niên học rất suông sẻ. Đến khi chuẩn bị thi đệ nhất lục cá nguyệt, tôi bị vướng bệnh thương hàn. Lúc đó chưa có Bactrim trên thị trường. BS An cho tôi uống Synthomycetine 250 mg ( Chloramphenicol 250mg ) trong 3 tháng liền mỗi ngày 6 viên. Sở dĩ thời gian điều trị lâu như vậy vì tôi bị rechutte 2 lần, ( do tôi mới bình phục sơ sơ, đã ăn uống bình thường, không kiên cử, để lấy sức đi thi ). Khi cơ thể tôi suy kiệt, đi tiêu ra máu, nhìn như những người Do Thái trong trại tập trung Đức Quốc Xã : đầu tóc dài chấm vai, bắp đùi nhỏ hơn đầu gối, xương sườn lộ rõ như bộ xương cách trí….., BS An phải nhờ phòng của bệnh viện Sàigòn để chuyền nước biển cho tôi; 2 chai, mỗi chai nửa lít vào hai đùi. BS An đã ngồi đó canh cho tôi suốt 4 tiếng đồng hồ, đến khi chuyền hết 2 chai nước biển, ông đón xe cho tôi về. Sau đó, tôi nhớ BS An cho tôi uống Incremin goutte , tôi phục hồi sức khỏe nhanh chóng và mập như chưa bao giờ mập như thế.! Và nhờ lương y BS Cao Xuân An tôi có được song hỷ trong năm 1960 : thoát khỏi tử thần và đậu trung học đệ nhất cấp, mảnh bằng cấp đầu tiên trong đời !

Ba Mẹ tôi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến theo Cụ Hồ đến kiệt sức, trở về thành, muốn sinh một đứa con để kỷ niệm ngày về vùng tự do. Em trai út của tôi được sinh ra trong thời kỳ này. Nhưng vì mới chân ước chân ráo về thành nên Mẹ tôi giữ con trong nhà ( ở cư xá ) không cho tiếp xúc với xã hội Sàigòn lúc ấy rất nhiễu nhương ( 1957 ). BS An thấy em tôi cứ gầy ốm, bảo Mẹ tôi phải cho em phơi nắng, tiếp xúc với xã hội, thỉnh thoảng nên cho đi Vũng Tàu….

Hai đứa em gái của tôi, nghe tin BS An qua đời do tôi thông báo, đã không cầm được nước mắt. Lệ Thương, cô em gái út đã nhắc lại một cử chỉ rất ân cần của BS An mà bấy lâu nay không ai trong nhà tôi biết, em viết cho tôi mấy dòng:

“ Em nhớ ngày xưa, em khoảng 15-16 tuổi, khi BS An đến khám bệnh cho Má, Ông thấy em đang đọc một cuốn sách của Somerset Maugham, ông đã dừng lại ân cần nói với em : “cháu còn nhỏ mà đã đọc sách của tác giả này à ?”

Lúc đó em đã rất cảm động vì sự quan tâm của người lớn, người mà mình nghĩ là không bao giờ biết tới một em bé, mà còn như một lời khen trí tuệ.

Sự việc xảy ra rất nhanh nhưng để lại trong lòng em ấn tượng rất sâu cắc, như một bài học dạy cho em cách xử thế trong đời, đến bây giờ vẫn là một tiêu chí trong cuộc sống của em : luôn luôn quan tâm đến mọi người quanh mình, dù đó chỉ là một em bé !”
Những lời khuyên của BS An đối với bệnh nhân, như là lời khuyên của một người thân trong gia đình !

Đúng ông là một “ Lương Y Như Từ Mẫu ” thưc sự mà tôi chưa từng thấy có BS nào như vậy.

Nay vừa nhận được tin BS An đã qua đời, mọi người trong gia đình chúng tôi thật sự bàng hoàng, xúc động và thương tiếc. Nhất là Mẹ tôi, năm nay đã 96 tuổi, vô cùng xúc động và hối tiếc trước tin này. Vì sau ngày Miền Nam thất thủ, chúng tôi đươc tin BS Cao Xuân An đi Hồng Kông. Nhưng không thể nào tìm biết ông ở đâu. Nay biết tin thì ông đã về bên kia thế giới!

Chúng tôi viết những dòng nầy thay cho một nén hương tỏ lòng biết ơn và thương tiếc vị Lương Y của đại gia đình chúng tôi.

DS ĐINH BÁ ÁI

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français