Họ Cao-Xuân Nghệ An Việt Nam - gia phả - family tree - caoxuan.com - 
Đền Thờ Hình Ảnh Gia Phả Tài Liệu Liên Lạc

Hình ảnh ngày lễ giỗ 100 năm Cố Cao Xuân Dục





Diễn văn

Ông Cao Xuân Thành phát biểu nhân ngày giỗ 100 năm

PHIẾU BỔ SUNG THÔNG TIN CHO GIA PHẢ


Kính gửi thành viên đại gia đình dòng họ Cao-Xuân

Ban liên lạc họ Cao-Xuân tại Hà Nội mong muốn thực hiện công việc thu thập thông tin về các thành viên trong đại gia đình Cao-Xuân để cập nhật gia phả của dòng họ, góp phần hoàn chỉnh thêm gia phả, đồng thời tạo cơ sở cho các thế hệ tiếp theo của dòng họ hiểu biết rõ hơn về các mối quan hệ gia đình, dòng họ, từ đó duy trì và phát triển sự kết nối giữa các thành viên trong tương lai.

Ban liên lạc kính đề nghị bà con nhận được phiếu này thì điền thông tin đầy đủ và cập nhật nhất có thể vào các ô của phiếu rồi gửi lại cho ô Cao Xuân Phong, có địa chỉ liên lạc là phongcaox@gmail.com, hoặc Zalo/điện thoại 0913510501, hoặc viber/facebook Phong Cao; hoặc cho bất kỳ thành viên nào khác của Ban liên lạc (gồm các ông Cao Xuân Hạnh 0903261993, Cao Xuân Lâm 0913540827, Cao Xuân Thành 0915340269).

Ban liên lạc xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của bà con!


Tải phiếu bổ sung thông tin gia phả Cao-Xuân

~~~~~~ Tìm hiểu về dòng họ Cao-Xuân ~~~~~~

Cây Cổ Thụ Của Cánh Rừng Văn Hóa Phương Đông

GS. Cao Xuân Huy, nhà sư phạm, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ của cánh rừng văn hóa phương Đông

Năm 1946, trường trung học Nguyễn Xuân ôn lần đầu tiên được thành lập tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chúng tôi. Người sáng lập, đồng thời là Hiệu trưởng đầu tiên của trường là GS. Cao Xuân Huy, một trọng những danh nhân văn hóa nước ta và là nhà Đông phương học nổi tiếng của thế kỷ XX.

Nhớ ngày khai giảng đầu tiên, học sinh chúng tôi rất cảm phục về tướng mạo thông minh, vầng trán cao, đôi mắt sáng hiền hóa, giọng nói sang sảng mà thấm đượm tình người, lời lẽ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc của Thầy đối với lớp trẻ chúng tôi.

Thầy nói: “Được về quê cha, đất tổ dạy học trong tư thế một người giáo viên của đất nước độc lập, tự do còn gì vinh hạnh cho bằng. Để bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam DCCH còn non trẻ, chúng ta hãy thúc đẩy lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau để thầy trò cùng thực hiện các phương châm khả thủ của nhà giáo dục lớn thời cổ đại Trung Hoa - Khổng Phu Tử”.

“Mặc nhi chí nhi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”. Đức Khổng Tử nói: “Trầm mặc suy nghĩ đạo lý để ghi nhớ trong lòng, học đạo không biết chán, dạy người không biết mỏi”.

Biết thầy là con cháu của một “thế gia vọng tộc” ở làng Thịnh Mỹ, xã Cao Bá, Phủ Diễn chúng tôi, cháu nội của nhà sử học Cao Xuân Dục, từng giữ chức Thượng thư bộ Học, kiêm Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, chủ biên và viết nhiều bộ sách đồ sộ có giá trị lớn như Đại Nam nhất thống chí, Quốc triều khoa bảng lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Quốc triều tiền biên toát yếu, chúng tôi lại càng cảm phục và tự hào được học với thầy Hiệu trưởng tài cao đức dày, có truyền thống gia phong văn hóa cao đẹp.

Lớp trẻ chúng tôi chỉ có một thắc mắc về thầy. Thầy học giỏi, tài cao, đức trọng sao không ra làm quan quyền cao lộc nhiều mà lại đi dạy học từ thời Pháp thuộc? Và bọn trẻ chúng tôi đồn đại nhiều giai thoại tôn kính về thầy và tặng cho thầy bao nhiêu danh hiệu thầm lặng: nhà sư phạm mẫu mực, nhà đạo đức hiếu nhân, nhà triết học vô vi, nhà tâm lý thấu tình, đệ tử xứng danh của Lão Trang, nhà nghiên cứu văn chương uyên bác. Thầy là cây cổ thụ trong cánh rừng văn hóa phương Đông.

Sau này chúng tôi mới biết thêm nhiều tư liệu là Thầy đã tham gia Đảng Tân Việt, đã bị Pháp bắt đi đày ở nhà tù Lao Bảo và nhà tù Vinh (Nghệ An) cùng với GS. Đặng Thai Mai và Tôn Quang Phiệt. Thầy là người tổ chức và tham gia Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở liên khu V.


Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai

Thầy thật xứng đáng là một trí thức lão thành cách mạng của vùng quê Xứ Nghệ chúng tôi. Thế mà hồi đó, chúng tôi nào ai có biết vì thấy rất khiêm tốn, giản dị không nói về công lao thành tích cách mạng của mình, không muốn nếu các công trình nghiên cứu sáng tạo về nhiều lĩnh vực khoa học của thầy.

Tuổi niên thiếu của chúng tôi được thầy dìu dắt, luyện rèn, chúng tôi mãi mãi khắc cốt ghi lòng.

Hồi tưởng lại những năm 1946 - 1949, những giờ giảng văn của Thầy làm sôi động cả lớp, gieo vào tâm hồn niên thiếu những ấn tượng đẹp đẽ, hào hùng của nền văn học nước nhà. Lúc đó chưa có sách giáo khoa, chúng tôi được thầy đọc cho chép các bài ca dao, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, những bài thơ trích trong Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, thơ Phan Bội Châu, thơ Nguyễn Xuân Ôn và các bài văn, thơ tìm trong báo chí cách mạng... Thầy giảng kỹ các từ, ý tứ câu thơ, câu văn, khai thác tác dụng giáo dục của thơ văn.

Được học Khoa Ngữ văn rồi Khoa Tâm lý trường ĐHSP, tôi được nghe giảng và đọc các giáo trình của Thầy về vai trò quan trọng của Lão Tử, sách Chu dịch trong lịch sử triết học Trung Hoa, những yếu tố tích cực trong tư tưởng Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Chúng tôi đọc mãi về tư tưởng phương Đông mà vẫn chưa lĩnh hội được các tri thức sâu sắc đó. Thầy không chỉ uyên bác về tri thức Trung Hoa, về tư tưởng phương Đông mà còn nắm chắc thành tựu văn hóa dân tộc trên cả bình diện lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học, sử học và đã có đóng góp rất quý báu trong việc phát triển và xác lập những giá trị đặc trưng Việt Nam ở các nhà tư tưởng, nhà văn hóa từ các vị Thiền học đời Lý, đến Trần Thái Tông, Tuệ trung Thượng sĩ Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Trường Tộ. Cuốn sách Tư tưởng phương Đồng gợi những điểm nhìn tham chiếu của Thầy do học trò của Thầy - GS.Tuệ Chi chủ biên năm 1995 sau 12 năm Thầy đi vào cõi vĩnh hằng - tác phẩm đó càng thể hiện bản lĩnh triết học và tầm vóc học thuật vững vàng và sáng tạo của Thầy.

Đọc kỹ Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu chúng ta càng nhận được những tư tưởng phi thường, những luận điểm sắc bén, những kiểu giải sinh động có giá trị định hướng cho nhà nghiên cứu về mặt phương pháp luận. Thầy đã nêu ra những vấn đề triết học trọng đại: bản thể luận và nhận thức luận về vũ trụ.

Nghiên cứu “chủ toàn và chủ biệt”, hai ngã rẽ trong triết học Đông Tây trong tác phẩm đó, ta có thể tiếp thu được vô số điều mới lạ vốn giúp nhà nghiên cứu rút ra được một kết luận sâu sắc: Một khi bản thể vũ trụ là cái chung nhất, tồn tại sâu kín trong bất cứ vật thể nào trong cả chủ thể và khách thể, thì chủ thể và khách thể là đồng thể, đồng chất, và chủ thể nhận thức được khách thể là lẽ đương nhiên. Chỉ có một quan niệm “chủ toàn” về vũ trụ mới giúp triết học thoát khỏi những lúng túng muôn thuở để đào sâu vào bản thể, lấy nó làm nền tảng chắc chắn cho một nhận thức luận ngày càng hoàn chỉnh...

Nói về cốt cách dân tộc đã thắng được hoàn cảnh thiên nhiên ác liệt, thắng được cái sức đồng hóa kinh khủng của một dân tộc khổng lồ. Thầy đã nêu một giả thiết mà thầy đã ấp ủ từ lâu rằng: “Đó là nhờ ở chỗ dân tộc ta có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước. Sức sống của nước là ở nguồn sức mạnh của nước là ở chỗ rất nhiều hạt nhỏ kết lại với nhau một cách mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, có thể uốn theo đường cong, đường thẳng, chỗ lồi, chỗ lõm của đối tượng, đối phương, của kẻ địch để đánh phá nó... Đó là khả năng thích ứng vô hạn của nó mà chính cái khả năng thích ứng đó là cái tính ưu việt, cái bí quyết tồn tại của dân tộc ta...

Giả thiết tuyệt vời của thầy nêu ra và đã được lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước ta minh chứng và khẳng định. Nhân dân ta cũng như các nhà khoa học, nhà văn hóa Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam đều học được ở thầy niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu di sản văn hóa tổ tiên. Khả năng tự học một cách say mê, sáng tạo, nắm vững phương pháp luận nghiên cứu khoa học, phương pháp tư duy độc lập để từ một nhà giáo có trình độ cao đẳng sư phạm, Thầy đã trở thành cây đa, cây để của trí tuệ Việt Nam cũng như của phương Đông. Ở Việt Nam, thầy được tôn vinh là danh nhân văn hóa Việt Nam thế kỷ XX.

Về Hán - Việt học, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã tôn vinh thầy là sự sư biểu của nền Hán học Việt Nam hiện đại. Cố giáo sư Đặng Thai Mai, nhà giáo lão thành cách mạng và nhà văn hóa nổi tiếng của nước ta cũng tỏ lời khâm phục: “Ở Việt Nam không ai hiểu học thuyết Lão Trang sâu sắc hơn cụ Huy”.

Viện sĩ Ay-đơ-lin (Liên Xô) sau mấy ngày làm việc với Thầy đã thốt lên kinh ngạc: “Những nhà Trung Quốc học như cụ Cao Xuân Huy ở trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

Các công trình khoa học của Thầy đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, thật là một niềm vinh dự lớn lao.

Chúng tôi, học trò cũ của Thầy nay đã ở tuổi “cổ lai hy”, mái tóc đã bạc phơ vì trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, bất khuất. Vào dịp 20-11, chúng tôi ngòi lại, suy nghĩ, tưởng nhớ hương hồn Thầy tôn kính, học tập tấm gương cao đẹp của Thầy - nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, một nhà văn hóa đại diện cho một tầng lớp trí thức, biết dứt bỏ vinh hoa phú quý, không màng danh lợi, dũng cảm tham gia hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những nhà khoa học, những cán bộ và những công dân tích cực, hữu ích cho đất nước.

GS. Cao Xuân Huy - một trí tuệ trác việt, một triết lý nhân sinh cao đẹp, một trí thức lão thành cách mạng, nhà sư phạm mẫu mực, nhà tư tưởng uyên bác, cây cổ thụ trong cánh rừng văn hóa phương Đông.

“Ái ưu vằng vặc lo dân nước

Chẳng ham danh lợi, nhớ cội nguồn

Dốc bầu tâm huyết xây văn hóa

Khơi dòng dân tộc, nước triều dâng.”


Nguyễn Như An

Bản tin ĐHQGHN số 141, ra tháng 11/2002 [100 Years-VietNam National University,HaNoi]

http://100years.vnu.edu.vn:8080/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/C1781/2006/03/N7495/?1

back to top



Hình Ảnh || Liên Lạc || English || Français